Người Việt giành lại quyền tự chủ Thời_kỳ_Bắc_thuộc_lần_thứ_ba

Trong thời kỳ đầu, nhà Đường còn mạnh, các cuộc nổi dậy của người Việt ít xảy ra và hay bị đàn áp nhanh chóng. Từ sau loạn An Sử (755-763), nhà Đường phải đối phó với nạn phiên trấn cát cứ. Từ 10 Tiết độ sứ thời Đường Huyền Tông tăng lên thành 40-50 trấn, sự kiểm soát của chính quyền trung ương ngày càng yếu đi.

Đó chính là điều kiện cho các cuộc nổi dậy của người Việt trong thế kỷ 9 thường xảy ra hơn.

Mặt khác, người Việt thuộc tầng lớp trên ngày càng có vai trò quan trọng hơn trước trong bộ máy cai trị, dù nhìn chung họ vẫn bị người phương Bắc áp chế[2]. Một số hào trưởng người Việt được nhà Đường sử dụng vào việc cai trị ở địa phương để quản lý người bản địa. Điển hình trong những người Việt thăng tiến nhất là Khương Công Phụ đã sang phương Bắc thi đỗ tiến sĩ và làm quan ở trung nguyên.

Năm 866, nhà Đường đổi Phủ Đô hộ An Nam thành Tĩnh Hải quân.

Thời nhà Hậu Lương (907-923)
  Tấn (晉), tiền thân của Hậu Đường

Cuối thế kỷ 9, tại Trung Hoa nổ ra cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào. Khởi nghĩa này bị tiêu diệt nhưng các quân phiệt cũng nhân đó gây nội chiến và cát cứ công khai. Nhà Đường bị quyền thần Chu Ôn khống chế.

Chu Ôn từng cho anh ruột là Chu Toàn Dục sang làm Tiết độ sứ ở An Nam, nhưng Toàn Dục quá kém cỏi không đương nổi công việc nên Chu Ôn phải gọi về.

Năm 905, Chu Ôn ghét Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Độc Cô Tổn là người không cùng cánh, đày ra đảo Hải Nam và giết chết. Trong lúc nhà Đường chưa kịp cử quan cai trị mới sang trấn nhậm, một hào trưởng người Việt là Khúc Thừa Dụ đã chiếm lấy thủ phủ Đại La[8], tự xưng là Tiết độ sứ. Chu Ôn đang mưu cướp ngôi nhà Đường, đã nhân danh vua Đường thừa nhận Khúc Thừa Dụ.

Người Việt khôi phục quyền tự chủ từ đó. Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 3 kéo dài hơn 300 năm chấm dứt.

Liên quan